Được tôn thờ Hồ_Đề

Hồ Đề hiện được thờ ở làng Đông Cao (nay thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội). Làng nằm phía trước đền Hai Bà Trưng, cách đền Hai Bà một con đê. Đền thờ bà được dân nơi đây gọi là đền Ta (đền của làng mình). Tương truyền sau khi thắng trận trở về, Nữ tướng thường dừng ngựa và khao quân tại đây, dân trong làng đi cắt cỏ cho ngựa, đồng thời tổ chức làm tiệc bánh giầy, bánh trôi để dâng cho các tướng sĩ. Khi nữ tướng mất, dân làng đã lập đền thờ để ghi nhớ công lao của Bà và các tướng sĩ.

Đền trước đây gồm đền chính phía trong và đền ngoài. Đền chính hầu như con nguyên vẹn vẻ cổ kính, mái lợp ngói mũi cổ, mũi mái được đắp hình hai con rồng, cửa đền nhìn hướng đông nam; cửa đền đắp tượng hai ông quan văn và quan võ; phía trong có nhiều tượng của tướng Hồ Đề và các phó tướng của Bà. Đền ngoài là một dãy nhà trống; ngay giữa cổng chính vào là bia ghi tóm tắt về tướng Hồ Đề. Đền được công nhận di tích lịch sử văn hoá năm 1988, do Bộ trưởng Văn hoá Trần Hoàn ký. Hàng năm, vào ngày 1 tháng 2 âm lịch (ngày Hồ Đề khao quân sĩ), làng Đông Cao lại mở Hội làng. Hội làng có nhiều trò chơi dân gian và thi làm cỗ, văn nghệ giữa các xóm với nhau như: bịt mắt đập niêu, vượt cầu tre, đi xe đốt pháo; thi làm bánh giầy. Ngày nay còn tổ chức thi cầu lông, bóng đá. Riêng đấu vậtcờ tướng thì gồm cả các thôn khác trong xã. Đây cũng là một điểm nằm trong tua du lịch sông Hồng. Cùng với đền Hai Bà Trưng, đình Hạ Lôi, đền thờ Nữ tướng Hồ Đề nằm trong quần thể di tích lịch sử Hai Bà Trưng.